Chắc hẳn trong chúng ta, ai cũng đã từng bị chứng khó tiêu, đầy bụng. Ngay như từ “khó tiêu” đã cho chúng ta hình dung đây là tình trạng “khó chịu” hay “rối loạn” về tiêu hoá.
Nếu thường xuyên bị đầy bụng, khó tiêu thì cần phải đi khám
Chứng khó tiêu không phải là một triệu chứng mà bao gồm nhiều triệu chứng như: chướng bụng, đầy hơi, khó chịu, mau no đặc biệt là sau khi ăn làm cho bệnh nhân có cảm giác chậm tiêu. Có bệnh nhân bị buồn nôn hoặc nôn sau ăn, đôi khi kèm theo triệu chứng hoa mắt, chóng mặt. Có bệnh nhân khác lại bị ợ hơi, có cảm giác vướng nghẹn ở cổ họng. Tất cả các triệu chứng trên liên quan đến rối loạn về co bóp của dạ dày hoặc của thực quản.
Ngoài ra, người bị chứng khó tiêu có thể bị đau ở vùng thượng vị mà dân gian thường gọi là đau vùng chấn thuỷ. Ợ nóng tức là cảm giác nóng rát ở phần giữa ngực. Các triệu chứng đau thượng vị và ợ nóng liên quan đến sự tăng tiết dịch vị hoặc tăng cảm giác đau của từng người.
Truy tìm thủ phạm
Chứng khó tiêu có thể xảy ra ở hai nhóm bệnh nhân khác nhau. Nhóm đầu tiên được gọi là “khó tiêu chức năng” tức là những bệnh nhân bị chứng đầy bụng khó tiêu nhưng khi khám bệnh và làm các xét nghiệm hoàn toàn không phát hiện có gì bất thường. Nhóm thứ hai là những bệnh nhân có một bệnh thực thể về tiêu hoá hoặc có một nguyên nhân nào đó gây ra các triệu chứng khó tiêu. Mặc dù chứng “khó tiêu chức năng” không có nguyên nhân cụ thể nhưng người ta ghi nhận có một số yếu tố làm khởi phát hoặc làm nặng thêm triệu chứng mắc bệnh khó tiêu ở dân văn phòng
Nếu bụng của bạn cũng đôi khi “biểu tình” bị đầy hơi, trướng bụng… bạn nên tham khảo những thông tin dưới đây:
Ăn uống thiếu khoa học
Bình thường cảm giác no bụng sẽ đến sau khi ăn và hết dần sau đó. Ở người mắc chứng khó tiêu thì bụng luôn căng đầy rất lâu thậm chí cả ngày, gây nhiều phiền toái như chán ăn, đi lại nặng nề. Nhiều nhân viên công sở đang là nạn nhân của các biểu hiện bệnh trên do thói quen ăn uống nhanh vội cho kịp giờ họp, không có thời gian đa dạng nguồn thực phẩm mà lệ thuộc vào thức ăn nhanh vốn nhiều dầu mỡ, chất béo bão hòa, ít rau xanh, chất xơ.
Thói quen ăn nhanh, uống vội, làm việc khác trong khi ăn khiến dân văn phòng dễ trở thành nạn nhân của chứng ăn không tiêu. |
Lạm dụng trà, cà phê
Trà, cà phê thường được giới văn phòng liệt vào hàng top những món giúp tỉnh táo, lấy lại sức chiến đấu với công việc thâu đêm. Nhiều người đã lạm dụng các món uống kích thích trí não này và vô tình làm mình bị đầy hơi, khó tiêu. Đặc biệt, trà sữa hay cà phê sữa còn khiến cho vòng 2 của nhiều người trở nên óc ách khó tiêu do chất Tanin trong trà, cà phê khi kết hợp với protein trong sữa (casein) sẽ thành một hợp chất rất khó tiêu hóa.
Căng thẳng kéo dài
Thói quen sinh hoạt không lành mạnh, tâm lý căng thẳng, thức đêm, mất ngủ, lo lắng cho công việc hay stress trong cuộc sống cũng chính là nguyên nhân gây đầy bụng, khó tiêu. Nếu khi căng thẳng mà uống trà, café và hút thuốc thì chứng đầy bụng khó tiêu càng phát triển mạnh hơn. Stress làm sự lưu thông máu giảm rõ rệt. Dạ dày không được cung cấp đủ máu dẫn đến tình trạng khó tiêu, đầy hơi, trướng bụng. Nhiều trường hợp stress còn là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày.
Căng thẳng trong công việc hay cuộc sống cũng có thể khiến bạn bị đầy bụng, khó tiêu. |
Lối sống ít vận động
Khi ăn ít chất xơ, uống ít nước và lười vận động có thể dẫn đến đầy hơi, táo bón, khó tiêu. Nằm ngủ ngay sau bữa ăn cũng khiến hệ tiêu hóa bị “phân tâm” không làm tròn nhiệm vụ, từ đó cũng góp phần bị ợ hơi, khó tiêu… Do đó, bạn cần uống nhiều nước (6-8 ly mỗi ngày), vận động thể chất ít nhất 30 phút một ngày, 5 lần một tuần và tuyệt đối không bao giờ nằm ngay sau bữa ăn.
Thực phẩm từ bàn nhậu
Với nhiều dân công sở, bàn nhậu còn là xúc tác để công việc diễn ra trôi chảy hơn. Tuy nhiên, công việc có thể được “trôi” nhưng hệ tiêu hóa của người nhậu lại có thể bị “tắc” với hàng loạt triệu chứng như trướng bụng, không tiêu (nhất là thời điểm cuối năm có rất nhiều cuộc vui quanh ly bia). Nguyên nhân ở khí carbon dioxide trong dạ dày được sản sinh từ thức uống có ga hay từ rượu bia. Khi uống rượu bia lúc đói, niêm mạc dạ dày và thực đạo bị kích thích dễ gây đầy hơi khó tiêu, tổn thương dạ dày. Ngoài ra, các loại thực phẩm hun khói dùng làm mồi nhậu có thể chứa khá nhiều chất nitrosamine (chất gây ung thư) cũng góp phần tăng khả năng đầy hơi khó tiêu.
Ăn không tiêu sẽ không còn là chuyện nhỏ nếu ảnh hưởng công việc và đời sống sinh hoạt thường ngày. Do đó, bạn nên duy trì chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh cùng lối sống điều độ, hợp lý; nhai kỹ, nuốt chậm; không lạm dụng trà, cà phê và chất kích thích; nói không với stress; thường xuyên tập thể dục; sử dụng thuốc tăng cường vận động hay tăng co bóp dạ dày như Domperidone Maleate 10mg dùng trước bữa ăn 15-30 phút hoặc ngay khi có triệu chứng.
Làm sao phát hiện bệnh?
Chứng khó tiêu có thể xảy ra do các bệnh về tiêu hoá hoặc do các bệnh không liên quan đến tiêu hoá: viêm loét dạ dày - tá tràng, thậm chí là ung thư dạ dày, trào ngược dạ dày - thực quản; các bệnh về tuỵ gây thiếu các men tuỵ để tiêu hoá các chất như đường, đạm, mỡ…; các bệnh rối loạn chuyển hoá như đái tháo đường, cường giáp... Ngoài ra, viêm gan, sỏi mật, sau cắt túi mật... cũng gây khó tiêu do thiếu dịch mật để tiêu hoá chất béo.
Để phát hiện các bệnh này, mọi người phải đi khám bệnh và nếu cần phải làm thêm một số xét nghiệm mới xác định được nguyên nhân. Đặc biệt, nếu các triệu chứng khó tiêu xảy ra kèm theo một số dấu hiệu cảnh báo thì không nên chủ quan bỏ qua mà phải tìm cho ra nguyên nhân, như: triệu chứng khó tiêu mới xảy ra ở một bệnh nhân trên 45 tuổi, có sốt, có ói hay đi tiêu ra máu, thiếu máu, chán ăn, sụt cân, nuốt đau, khó nuốt, trong gia đình có người bị ung thư dạ dày...
Điều trị phải tuỳ nguyên nhân
Để điều trị chứng khó tiêu, trước tiên chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân. Tuỳ theo nguyên nhân sẽ có cách điều trị tương ứng. Trong trường hợp bị khó tiêu chức năng, chủ yếu là triệu chứng đầy hơi, chướng bụng, mau no… người ta có thể thử sử dụng các thuốc làm tăng co bóp dạ dày giúp đẩy hơi và thức ăn đi xuống ruột và hạn chế hiện tượng trào ngược.
Thuốc thường được dùng là Domperidon maleate. Thuốc này cải thiện tình trạng đầy hơi, khó tiêu và làm cho mau đói bụng. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng khoảng 5-7 ngày, nếu sau đó chứng khó tiêu vẫn không thuyên giảm, chúng ta phải đến bác sĩ để khám bệnh và tìm xem có bệnh thực thể nào gây ra chứng khó tiêu hay không, ví dụ như viêm loét dạ dày-tá tràng, ung thư dạ dày… Nếu bệnh nhân bị đau thượng vị, có thể kết hợp các thuốc giảm tiết axít hoặc trung hoà axít dịch vị sẽ làm cho bệnh nhân giảm đau và cảm thấy dễ chịu hơn.
Cũng cần lưu ý, một số thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ trên hệ tiêu hoá nhất là khó tiêu, buồn nôn. Nếu phát hiện các thuốc này gây ra triệu chứng, tốt nhất nên đến bác sĩ để được đổi sang thuốc khác. Không nên dùng kéo dài các thuốc hỗ trợ tiêu hoá như các vitamin, các men tuỵ vì nếu bổ sung lâu ngày sẽ làm cho các tuyến tiêu hoá của cơ thể “lười” tiết các men, làm cho tình trạng khó tiêu xảy ra lâu hơn.
Sưu tầm: internet
0 comments:
Post a Comment